Hoàn cảnh lịch sử Thập tự chinh thứ nhất

Nguyên nhân nổ ra các cuộc Thập tự chinh nói chung vẫn đang được tranh luận bởi nhiều nghiên cứu lịch sử, trong đó có bao gồm cuộc Thập tự chinh thứ nhất. Sự kiện này xảy ra là kết quả của một loạt những nguyên nhân bối cảnh ở cả châu Âu và vùng Cận Đông, cụ thể là tình hình chính trị và xã hội ở các vương quốc Công giáo vào thế kỷ 11, sự nổi dậy của phong trào cải cách chế độ Giáo hoàng[2], và sự đối đầu về quân sự và tôn giáo giữa Cơ Đốc giáo và Hồi giáo ở phía Đông.

Cơ Đốc giáo thời hậu kỳ cổ đại đã được lan truyền và tiếp nhận rộng rãi trên khắp lãnh thổ Đế quốc La Mã. Trong khoảng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8, Kha-lip Umayyad đã chiếm Syria, Ai Cập, Bắc Phi từ tay Hoàng đế Byzantine và Hispania từ Vương quốc Visigothic. Sau đó, vùng Bắc Phi của Đế quốc Umayyad sụp đổ và thoát khỏi quyền cai trị của đế quốc này. Một loạt các vương quốc Hồi giáo nhỏ được hình thành nên ở đây, trong đó có Nhà Aghlabids, người mà đã tấn công Ý vào thế kỉ thứ 9. Pisa, Genoa, và Thân vương quốc Catalonia lúc này bắt đầu khởi quân tiến đánh các vương quốc Hồi giáo hòng đoạt lấy quyền cai trị những vùng lưu vực Địa Trung Hải, điển hình là chiến dịch tấn công Nhà Mahdia ở MallorcaSardinia.

Tình hình ở châu Âu

Tại rìa phía tây của châu Âu, cũng là rìa phía Tây của lãnh thổ Hồi giáo, công cuộc Reconquista (tiếng Việt: ‘’Tái chiếm’’ hoặc ‘’Tái chinh phục’’) ở bán đảo Iberia cũng đang được tiến hành vào thế kỷ 11. Vào thời gian này, ngày càng có nhiều hiệp sĩ đến từ nước ngoài, chủ yếu là từ Pháp, tới đây để giúp sức cho công cuộc tái chinh phục này.[3][note 1] Ngay trước khi cuộc Thập tự chinh đầu tiên nổ ra, Giáo hoàng Urban II đã khuyến khích các Cơ Đốc hữu ở đây đánh chiếm lại lãnh địa Tarragona, với lối thuyết giảng sử dụng nhiều các ngôn từ và hình tượng tương tự như khi sau này ngài rao giảng ở châu Âu về cuộc thập tự chinh.[4]

Bản thân vùng trung tâm của Tây Âu cũng đã trở nên tương đối ổn định sau khi Cơ Đốc giáo hoá người Sachsen, Viking và người Hungary vào cuối thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên, sự tan rã của Đế quốc Frank đã khiến cho một tầng lớp chiến binh không làm gì khác ngoài việc luôn gây chiến lẫn nhau. Bạo lực giữa họ diễn ra một cách không tiên đoán trước được, và điều đó thường xuyên bị lên án là bởi giáo hội. Để đối phó, phong trào Hòa bình và Đình chiến của Chúa đã được giáo hội khởi động để ngăn cấm chiến tranh vào những ngày nhất định trong năm.[5] Cùng thời gian đó, các Giáo hoàng có tư tưởng cải cách và các Hoàng đế La Mã Thần thánh bước vào giai đoạn xung đột quyền lợi, gây nên vụ tai tiếng về quyền bổ nhiệm giáo sĩ. Các Giáo hoàng, trong đó có bao gồm Gregory VII, sử dụng những lý do thần học để biện hộ cho cuộc chiến của họ với các đảng phái của Hoàng đế La Mã Thần thánh. Dần dà thì việc này cũng được chấp nhận. Hơn thế nữa, việc Giáo hoàng có thể sử dụng quân lính dưới danh nghĩa đại diện cho tôn giáo để gây chiến, không chỉ là chống lại kẻ thù chính trị của ngài mà còn là chống lại người Hồi giáo ở bán đảo Iberia hay gia triều người Thổ Seljuk ở phía Đông.[6]

Phía đông của châu Âu vốn là sân nhà của Đế quốc Byzantine, là nơi phổ biến của Chính thống giáo riêng biệt. Chính thống giáo phương ĐôngGiáo hội Công giáo La Mã đã ly giáo khỏi nhau từ năm 1054. Các sử gia cho rằng mong muốn áp đặt quyền lực của nhà thờ La Mã ở phía đông có thể là một trong những mục tiêu của chiến dịch thập tự,[7] mặc dù Urban II, người đã phát động cuộc Thập tự chinh đầu tiên, không bao giờ đề cập đến việc này. Người Thổ Seljuk đã xâm chiếm gần như toàn bộ vùng Tiểu Á sau thất bại của người Byzantine tại trận Manzikert năm 1071, và vào đêm trước Hội đồng Clermont, lãnh thổ trong tầm kiểm soát của Đế quốc Byzantine đã giảm xuống chỉ còn hơn một nửa.[8] Đến thời của Hoàng đế Alexios I Komnenos, lãnh thổ của Đế quốc Byzantine chủ yếu chỉ còn là vùng Balkan ở châu Âu cùng với rìa Tây Bắc của vùng Tiểu Á, và họ phải đối mặt với kẻ thù là người Norman ở phía tây cũng như người Thổ ở phía đông. Để đối phó với sự thất bại ở Manzikert và việc mất đất vùng Tiểu Á, năm 1074, Giáo hoàng Gregory VII đã kêu gọi milites Christi ("lính của Chúa") tới và viện trợ Đế quốc Byzantine. Lời kêu gọi này gần như đã bị phớt lờ và thậm chí còn bị phản đối, tuy nhiên nó cũng tập trung được rất nhiều sự chú ý về phía đông.[9]

Tình hình ở Trung Đông

Nhà Omeyyad vào thời điểm rộng lớn nhất

Đất Thánh là nơi cực kỳ quan trọng đối với người Cơ Đốc giáo, vì đây là nơi sinh ra, giảng đạo, bị đóng đinh, và phục sinh của Chúa Giêsu thành Nazareth. Người Cơ Đốc luôn coi Chúa Giêsu như là Đấng Cứu thế hay Messiah. Đến cuối thế kỷ thứ 4, sau khi Hoàng đế La Mã Constantinus cải đạo sang Cơ Đốc giáo (năm 313) và sau đó thành lập Đế quốc Byzantine sau sự phân rẽ của Đế quốc La Mã, Đất Thánh đã trở thành khu vực của đa số tín đồ Cơ Đốc giáo. Các lễ hội tôn giáo được tiến hành vào nhiều dịp kỷ niệm những sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu tại các địa điểm quan trọng ở nơi đây.

Jerusalem cũng giữ một ý nghĩa quan trọng trong đạo Hồi. Nó là địa điểm nhà tiên tri Muhammad, người được tin là vị tiên tri quan trọng nhất của Allah, tiến lên thiên đường. Do đó mà Jerusalem được xem như là địa điểm thiêng liêng thứ ba trong số những địa điểm thiêng liêng nhất của tín đồ đạo Hồi. Sự hiện diện của người Hồi giáo tại Đất Thánh bắt đầu với việc người Hồi giáo xâm chiếm Syria vào thế kỷ thứ 7 dưới sự lãnh đạo của các Khalip nhà Rashidun. Chiến thắng của các đội quân Hồi giáo ngày càng tạo sức ép lên Đế quốc Byzantine, vốn tuyên bố khu vực đó thuộc lãnh thổ của họ, sự kiện này cũng bao gồm cuộc tấn công cuối cùng của người Thổ Seljuk. Jerusalem cũng có tầm quan trọng về lịch sử đối với tôn giáo của người Do Thái vì nó là địa điểm của Bức tường Than khóc và phần cuối cùng còn lại của Đền thờ thứ hai. Người Do Thái coi Israel như là quê hương của tổ tiên họ và đã đi thăm thành phố kể từ khi nó bị chiếm đóng bởi người La Mã và bị từ bỏ bởi người Do Thái sau cuộc nổi loạn của họ vào năm 66-73.

Trước cuộc thập tự chinh, Đế quốc Byzantine vẫn phải liên tục chiến đấu với người Seljuk và các triều đại Thổ khác để kiểm soát vùng Tiểu Á và Syria.[10] Người Seljuk, những người theo Hồi giáo dòng Sunni, đã cai trị Đại Đế quốc Seljuk trước đây, nhưng vào thời điểm của cuộc Thập tự chinh đầu tiên, nó đã bị chia cắt thành nhiều tiểu quốc sau cái chết của Malik-Shah I năm 1092.

Malik Shah được kế nhiệm bởi Kilij Arslan I, Sultan của Hồi quốc Rum tại vùng Tiểu Á, và bởi người anh trai Tutush I tại vùng Syria (người này đã chết vào năm 1095).[11] Hai người con trai của ông là Fakhr al-Mulk Radwan đã kế thừa vùng Aleppo và Duqaq vùng Damascus, khiến cho sự chia rẽ giữa các tiểu vương tại vùng Syria ngày càng gia tăng.[10]

Ai Cập và phần lớn Palestine được trị vì bởi các Khalip Nhà Fatimid đến từ Ả Rập theo nhánh Shia. Lãnh thổ vương quốc này đã bị thu giảm một cách đáng kể từ khi có sự hiện diện của người Seljuk. Chiến tranh giữa triều Fatimid và người Seljuk đã gây phiền nhiễu lớn cho các Cơ Đốc hữu tại địa phương và khách hành hương từ phía Tây. Triều đình Fatimid, dưới sự cai trị trên danh nghĩa của quốc vương Hồi giáo al-Musta’li nhưng thực chất được kiểm soát bởi tể tướng al-Afdal Shahanshah, đã mất Jerusalem vào tay người Seljuk vào năm 1073 (một số tài liệu cũ hơn cho rằng năm 1076);[11] Họ đã chiếm lại nó vào năm 1098 từ tay nhà Artuqid, một tiểu bộ tộc Thổ có liên quan tới người Seljuk, ngay trước sự cập bến của thập tự quân Cơ Đốc.[12]

Diễn biến chính

Sau lời thỉnh cầu viện trợ từ Hoàng đế Alexios I Komnenos gửi đến phương Tây, Giáo hoàng Urban II, tại phiên họp tôn giáo tháng 11 năm 1095 khai diễn ở Clermont phía nam nước Pháp, đã có một bài phát biểu tác động tới các tầng lớp tín đồ Cơ Đốc giáo tại địa phương này. Ông công kích sự bạo hành của người Hồi giáo ở phía Nam đã hung hăng xâm chiếm lãnh thổ của Đế quốc Byzantine, đồng thời ca ngợi những thành tích vinh quang của người Pháp. Không những thế, ông còn kêu gọi các lãnh chúa, kỵ sĩ và tất cả những người nông dân ở đây hãy cầm vũ khí lên đường giải phóng mộ Chúa để cứu lấy thánh địa Jerusalem. Hành động này được ông mệnh danh là cuộc thánh chiến "thập tự giá chống trăng lưỡi liềm"; những ai đáp ứng lời kêu gọi tham gia cuộc thánh chiến này sẽ được "chuộc tội" nếu hi sinh trong chiến đấu và được lên thiên đường.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, từ năm 1096 tới năm 1101, ba đợt tiến quân tách biệt đã diễn ra, họ đi qua Constantinople dưới sự chứng kiến của người Byzantine nơi đây. Mùa xuân năm 1096, hơn 6 vạn nông dân phá sản ở đông bắc Pháp và tây Đức tổ chức thành một đội ngũ khổng lồ men theo sông Rhinesông Danube tiến hề hướng đông và vào đầu mùa hè năm 1096, đợt tiến quân đầu tiên này đã đến được vùng ngoại ô Constantinople. Tình cảnh của đoàn quân nông dân này rất khốn khổ, thiếu thốn lương thực, phải ăn xin dọc đường. Trong đoàn dân quân đói khổ này có cả những phần tử lưu manh đã thừa cơ cướp bóc những nơi họ đi qua. Lời kể lại rằng quân đội này thiếu kỉ luật và thiếu tổ chức cũng như không được trang bị vũ trang đầy đủ. Đây chính là Cuộc viễn chinh của Nhân dân được chỉ huy bởi Peter nhà tu khổ hạnh và Walter Sans Avoir. Tính chất ô hợp, thiếu chỉ huy có kinh nghiệm, thiếu khả năng hậu cần dẫn đến việc họ thường xuyên bị các đội quân địa phương tập kích trên suốt chặng đường, một số đông vì vậy đã chết. Khi đoàn quân ô hợp này tiến đến được vùng Tiểu Á, họ đã bị người Seljuk đánh bại một cách dễ dàng, chỉ còn chừng 3.000 người chạy thoát về được đến Constantinople.

Đến mùa thu cùng năm, một đội kỵ sĩ chừng ba tới bốn vạn người của Pháp, Ý và Đức mở đầu cho cuộc Thập tự chinh thứ nhất xuất phát từ Lorraine, Lyon, Toulouse, chia thành bốn đường tiến quân. Đợt hành quân thứ hai này là một tập hợp của nhiều đạo quân được dẫn đầu bởi các chỉ huy khác nhau. Tổng quân số của đợt này và đợt đầu tiên đạt khoảng 60.000 người[13][14]. Trong số các tướng lĩnh chỉ huy, có Hugh I, Bá tước Vermandois (và cũng là em trai vua Philip I của nước Pháp) và Raymond IV, Bá tước Toulouse. Khi đội quân tiến vào vùng đất của Đế quốc Byzantine, họ liền ra tay cướp bóc làm cho Hoàng đế nước này sợ hãi. Ông tìm cách mua chuộc hoặc trấn áp, làm cho một số chỉ huy của Thập tự quân bằng lòng phục vụ ông với điều kiện nếu chiếm lại được khu vực nào trước đây từng thuộc Đế quốc thì phải trao lại cho ông ta. Sau đó, Hoàng đế nhiệt tình giúp Thập tự quân nhanh chóng vượt qua eo biển Bosporus. Sau khi Thập tự quân đến vùng Tiểu Á, trước tiên họ bao vây Nicaea. Do sự sắp xếp của Hoàng đế, thành Nicaea nhanh chóng đầu hàng. Trong khi Thập tự quân tiến về xứ Syria thì Đế quốc Byzantine nhân cơ hội đó lấy lại vùng đất của họ trước đây tại phía tây Tiểu Á. Đến năm 1098, những nơi như EdessaAntioch lần lượt bị Thập tự quân chiếm đóng. Đến ngày 7 tháng 6 năm 1099, với lực lượng hơn 4 vạn người, trong đó có 2 vạn quân tinh nhuệ, Thập tự quân kéo tới chân thành Jerusalem và mãi đến tận ngày 15 tháng 7 cùng năm mới chiếm được Jerusalem, thiết lập nên Vương quốc Jerusalem và những thành bang thập tự quân khác.

Đợi tiến quân cuối cùng, bao gồm quân đội đến từ Lombardy, Pháp, và Bavaria, tới Jerusalem vào đầu mùa hè năm 1101.[15]

Tuy thắng lợi này chỉ tồn tại được chưa đầy 200 năm, cuộc Thập tự chinh thứ nhất đã là một bước quan trọng trong nỗ lực gia tăng quyền lực tôn giáo của phương Tây, đặc biệt là chống lại Hồi giáo. Đây cũng là cuộc thập tự chinh duy nhất thành công trong việc chiếm được Jerusalem.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thập tự chinh thứ nhất http://books.google.com/books?id=DmgKAQAAMAAJ&prin... http://www.arts.cornell.edu/prh3/447/texts/Sulami.... http://www.fordham.edu/halsall/sbook1k.html#The%20... http://www.fordham.edu/halsall/source/1096jews-mai... http://www.fordham.edu/halsall/source/1096jews.htm... http://www.fordham.edu/halsall/source/cde-antioch.... http://www.fordham.edu/halsall/source/cde-atcp.htm... http://www.fordham.edu/halsall/source/cde-jlem.htm... http://www.fordham.edu/halsall/source/cde-nicea.ht... http://www.fordham.edu/halsall/source/cde-tocp.htm...